fbpx

Kế hoạch vươn ra thế giới của ông Phạm Nhật Vượng

  • Tin tức, Tinh thần Việt
  • Chức năng bình luận bị tắt ở Kế hoạch vươn ra thế giới của ông Phạm Nhật Vượng

Bloomberg cho rằng hiện tại, điều mà ông Vượng mong muốn là sự công nhận của quốc tế và việc Vingroup sản xuất máy thở cho toàn cầu có thể là lời giải.

Covid-19 không tác động mạnh đến Việt Nam như các nước khác, khi cả nước hiện chỉ có 332 ca nhiễm và chưa ca nào tử vong. Tuy nhiên, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng lại nhìn thấy cơ hội ở nước ngoài. Hồi tháng 4, ông quyết định bước chân vào lĩnh vực sản xuất máy thở.

Loại máy này có thể cứu sống các bệnh nhân Covid-19 nặng, bị virus tấn công vào phổi. Thế giới hiện thiếu rất nhiều thiết bị này. Các bệnh viện trên toàn cầu được dự báo có thể sử dụng thêm 800.000 máy thở nữa.

Bloomberg nhận định việc này càng cấp bách tại các nước đang phát triển, như Nam Sudan – chỉ có 4 máy thở trên 12 triệu dân. Tuy nhiên, ngay cả Mỹ – quốc gia giàu có nhất thế giới – cũng đang thiếu thốn. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã buộc nhiều hãng xe và doanh nghiệp Mỹ tham gia sản xuất thiết bị này. Ford Motor và General Electric đã ký hợp đồng 336 triệu USD với chính phủ và hợp tác sản xuất 50.000 máy thở cho đến ngày 13/7.

Ông Phạm Nhật Vượng hiện là người giàu nhất Việt Nam. Ảnh: Bloomberg
Ông Phạm Nhật Vượng hiện là người giàu nhất Việt Nam. Ảnh: Bloomberg

Ông Vượng tin rằng công ty của mình – Vingroup – có thể làm điều này nhanh hơn và rẻ hơn. Với thiết kế mở từ Medtronic (Mỹ), Vingroup đã trình mẫu máy lên để xin cấp phép từ giữa tháng 4. Trong khi đợi giấy phép từ giới chức Việt Nam, các máy thở vẫn đang được sản xuất trên dây chuyền của hãng.

Mỗi chiếc máy của Vingroup có giá khoảng 7.000 USD tại Việt Nam, thấp hơn 30% so với sản phẩm của Medtronic. Vingroup cho biết có thể sản xuất khoảng 55.000 máy mỗi tháng ngay khi nhận được giấy phép. Họ cũng có kế hoạch xuất khẩu nếu các nước khác có nhu cầu. Vingroup sẽ trao tặng vài nghìn chiếc cho Ukraine và Nga – những quốc gia ông có quan hệ kinh doanh lâu năm.

“Hiện tại, chúng tôi sẽ tập trung sản xuất thật nhiều máy thở. Và sẽ làm điều này thật tốt”, ông Vượng cho biết, “Chúng tôi muốn chung tay với chính phủ Việt Nam để giải quyết phần nào vấn đề đại dịch”.

Dù Vingroup đã có hệ thống bệnh viện và phòng khám, họ trước đó chưa nghĩ đến việc sản xuất thiết bị y tế. Tuy nhiên, ông Vượng từ lâu vẫn nổi tiếng với tham vọng nội địa hóa các sản phẩm. Vì thế, khi giới chức khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm phức tạp hơn, Vingroup bắt đầu làm xe hơi và smartphone.

Ông còn có tham vọng toàn cầu, là bán xe Việt Nam cho thế giới. Tháng 12/2019, ông thông báo VinFast sẽ làm xe điện và xuất khẩu sang Mỹ năm 2021. Ông cam kết đóng góp 2 tỷ USD tiền túi vào dự án này để biến nó thành hiện thực.

Liệu người Mỹ có cân nhắc mua xe Việt Nam không vẫn là một câu hỏi mở. Tuy nhiên, máy thở lại là thứ cả thế giới không thể từ chối trong đại dịch. “Bài học chúng tôi rút ra từ một cuộc khủng hoảng là sẽ luôn có nhiều cơ hội. Chúng tôi phải lựa chọn đúng và hành động nhanh”, ông nói.

Nhân viên đang kiểm tra hoạt động của máy thở tại nhà máy VinSmart. Ảnh: Bloomberg
Nhân viên đang kiểm tra hoạt động của máy thở tại nhà máy VinSmart. Ảnh: Bloomberg

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Thu nhập bình quân hàng năm cũng tăng hơn gấp 6. Từ trước khi đại dịch diễn ra, ông Vượng đã gây dựng công ty thích ứng nhanh với sự phát triển của tầng lớp trung lưu trong nước. Hiện tại, Vingroup tham gia vào nhiều mảng, từ bệnh viện, trường học đến xe hơi, điện thoại.

Hiện tại, điều mà ông Vượng và các lãnh đạo hàng đầu Việt Nam mong muốn là sự công nhận của quốc tế. Việc giới thiệu thành công một sản phẩm của Vingroup ra toàn cầu, dù là xe hơi hay máy thở, cũng có thể thay đổi cái nhìn của thế giới với Việt Nam.  

“Chúng tôi muốn giải quyết các vấn đề mà mọi người nghĩ là tương đối khó, những thứ mà các công ty tư nhân Việt Nam vẫn chưa làm thành công”, ông nói, “Đây là sứ mệnh và trách nhiệm của chúng tôi – giúp một thương hiệu Việt Nam có danh tiếng quốc tế”.

Máy thở có thể là bước đi chiến lược của Vingroup. Nếu Vingroup có thể sản xuất với quy mô như ông Vượng kỳ vọng, họ sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu thốn trên toàn cầu, tận dụng được đòn bẩy từ thương hiệu của Medtronic. Nếu máy thở hoạt động tốt, Vingroup cũng sẽ chứng minh được khả năng sản xuất các thiết bị phức tạp, đáng tin cậy, cứu sống được con người.

“Có rất ít công ty trên thế giới như vậy”, Mark Mobius – nhà sáng lập Mobius Capital Partners nhận xét về Vingroup. Ông đã đầu tư vào Việt Nam thập kỷ qua. “Tham vọng của họ rất đáng ngạc nhiên. Đưa Việt Nam thành một người chơi toàn cầu sẽ là chiến thắng lớn”, ông nói.

Ông Vượng cho biết kế hoạch mở rộng ra toàn cầu của ông càng được thôi thúc bởi các diễn biến hiện tại. Vingroup vẫn kỳ vọng tuyển hàng trăm kỹ sư để mở rộng trung tâm nghiên cứu và thiết kế tại Australia. Nơi này sẽ phát triển các mẫu xe kế tiếp của VinFast và cả xe điện nữa.

Ông Vượng đã lèo lái công ty qua nhiều thời điểm khó khăn. Năm 2011, khi lạm phát tại Việt Nam lên đến 23% và thị trường bất động sản lao dốc, mảng bất động sản của Vingroup lại ra mắt khu đô thị hạng sang với kênh đào nhân tạo. Lợi nhuận ròng sau hợp nhất của họ giảm 64% năm đó. Họ sau đó đã sáp nhập mảng bất động sản và du lịch để hình thành Vingroup.

Sự sáp nhập này đã phát huy tác dụng. Doanh thu ròng năm 2012 lên kỷ lục. Lợi nhuận cũng bật tăng. Kể từ đó, doanh thu đã tăng 17 lần, chạm 130.800 tỷ đồng (5,6 tỷ USD) năm ngoái. Họ cũng tái cấu trúc, bỏ kế hoạch lập hãng bay và bán hầu hết mảng bán lẻ và nông nghiệp.

“Các lĩnh vực kinh doanh hiện tại là những mảng có tiềm năng lớn nhất. Chúng tôi sẽ không thay đổi chiến lược kinh doanh”, ông Vượng khẳng định, “Nếu suy thoái toàn cầu trở nên trầm trọng, chúng tôi có thể điều chỉnh một số kế hoạch ngắn hạn”.

Bloomberg nhận định ông Vượng có sự tự tin của một người giàu lên nhờ đọc vị và định hình được nhu cầu khách hàng. Ông từng bán mỳ ăn liền Việt Nam tại Ukraine. Đến năm 2000, ông về nước, sử dụng số lãi từ việc bán mỳ để tiếp tục nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Trong vòng ba năm, ông mở khách sạn cao cấp đầu tiên của Việt Nam – Vinpearl Resort & Spa. Sau đó, ông lập công ty bất động sản, bắt đầu xây các chung cư hiện đại với trường học, siêu thị và trung tâm thương mại. Năm 2017, ông Vượng công bố kế hoạch sản xuất xe hơi. 9 tháng sau, mảng smartphone VinSmart cũng ra đời.

Nhiều người đã đặt câu hỏi liệu Vingroup có phát triển đến quy mô “quá lớn để sụp đổ” hay không? Các công ty thuộc Vingroup hiện có vốn hóa tổng cộng 28 tỷ USD, tương đương 16% tổng vốn hóa của các công ty niêm yết tại Việt Nam. Khi doanh thu của hãng giảm một phần ba trong quý đầu năm, cổ phiếu Vingroup và toàn thị trường cũng giảm theo.

Ông Vượng không phủ nhận có rủi ro và khẳng định “bất kỳ công ty nào cũng có thể sụp đổ”. Ông cho biết đã chuẩn bị các kế hoạch phòng trường hợp thị trường bất động sản lao dốc như năm 2009 và đang tiếp tục kế hoạch thoái vốn trên toàn tập đoàn. Đến nay, thị trường bất động sản dự kiến vẫn tăng trưởng nhẹ trong năm nay. Vingroup hiện cũng phát triển các khu công nghiệp dự kiến sẽ cần đến khi các hãng sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Với những người ngờ vực tham vọng ôtô điện của mình, ông Vượng chỉ ra rằng VinFast đã biến một đầm lầy thành một nhà máy ôtô hiện đại, sử dụng robot và tạo ra sản phẩm chỉ trong 21 tháng. Đây là điều mà ban đầu ít người cho rằng khả thi.

Hiện tại, nhà máy điện thoại sẽ tái sử dụng các vật liệu kim loại, nhựa và chất bán dẫn để chế tạo máy thở. Vingroup cho biết khoảng 70% nguyên liệu có nguồn gốc địa phương. 85 công nhân đang sản xuất 160 máy thở mỗi ngày trong khi công ty chờ được cấp phép để tăng sản xuất.

Ông Nguyễn Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết hai mẫu máy thở của Vingroup đã đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật ban đầu và việc thử nghiệm vẫn đang được tiến hành. Ông nói rằng Vingroup sẽ được cấp chứng nhận để sản xuất hàng loạt sau khi có kết quả thử nghiệm tháng này.

Ông Vượng cho biết giá máy thở hiện tại vẫn thấp hơn chi phí. Tuy nhiên, việc sản xuất chỉ là tạm thời. “Mục đích của việc sản xuất máy thở hoàn toàn là đóng góp cho xã hội trong thời điểm quan trọng. Chúng tôi không có kế hoạch lấn sân mảng này”, ông nói.

Tỷ phú cho biết ông muốn công ty tiếp tục làm “những thứ đầu tiên” cho Việt Nam. “Tôi luôn nói với các đồng nghiệp của mình rằng đừng để cuộc sống trôi qua một cách vô nghĩa. Đừng để đến cuối cuộc đời, bạn không có gì đáng nhớ hay đáng kể lại. Sống mà không tạo ra thêm giá trị nào thì buồn lắm”, ông nói.

Theo Vnexpress.net

Back to top