TS Nguyễn Đình Cung: VINFAST, quan trọng là người Việt làm chủ
- Tháng Năm 5, 2020
- Tin tức, Tinh thần Việt
- Posted by admin
- Chức năng bình luận bị tắt ở TS Nguyễn Đình Cung: VINFAST, quan trọng là người Việt làm chủ
Câu chuyện của VinFast cho thấy người Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những điều tưởng như không thể.
Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương về việc sản xuất ôtô VinFast tại Khu công nghiệp Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng.
Đất nước luôn khát khao công nghiệp hóa
* Ông nhìn nhận việc khai trương nhà máy sản xuất ô tô VinFast như thế nào?
So với những nhà máy sản xuất ôtô trên thế giới cả về tốc độ xây dựng lẫn chất lượng của quy trình sản xuất, cảm nhận đầu tiên của tôi là tốc độ xây dựng nhà máy VinFast quá nhanh, nếu điều này có được ở nhiều dự án quan trọng khác, có thể thúc đẩy nền công nghiệp nước nhà trong các năm tiếp theo.
Nền kinh tế của chúng ta hàng chục năm nay luôn khát khao công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng vẫn chưa bứt phá lên được; sản xuất công nghiệp hiện đang lệ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh ấy, VinFast xuất hiện như người đi tiên phong trong phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Điều đó thể hiện người Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những điều lâu nay tưởng như không thể. Hy vọng VinFast thực sự là tấm gương truyền cảm hứng để cho các doanh nghiệp góp phần xây dựng đất nước.
Một quốc gia không thể phát triển nếu không có công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và người Việt phải tự làm điều đó chứ không thể kì vọng và phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Việt Nam phải tự xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp và kỹ sư nội địa đủ sức phát triển nền công nghiệp. VinFast có lẽ là minh chứng mang lại niềm tin là chúng ta hoàn toàn có khả năng làm được điều đó.
Nhà máy VinFast đi vào hoạt động cổ vũ tinh thần rất lớn trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Theo tôi, các thể chế của nhà nước cũng phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy không phải chỉ có VinFast, mà cả các doanh nghiệp khác, khi họ mạnh dạn tìm ra những hướng đi mới.
* Cách làm khác biệt thường đi kèm với sự mạo hiểm. Theo ông, họ có nhất thiết phải lựa chọn cách làm mạo hiểm như vậy không?
Trong kinh doanh, muốn thành công cũng phải chấp nhận mạo hiểm. Chính vì vậy tôi rất ủng hộ những điều mới mẻ như thế này. Chính cách làm táo bạo của VinFast mới đi vào thực chất của nền kinh tế, mới giúp chúng ta có thể tự chủ được; vươn lên cạnh tranh ngang hàng với những tên tuổi hàng đầu trong ngành công nghiệp ôtô; và có thể cả các ngành công nghiệp khác, nhất là công nghiệp của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Là những người đi sau thì chúng ta không thể đi tuần tự như nước khác, mà chúng ta phải đi theo cách khác, cách phi truyền thống như cách VinFast đang làm. Đó là đứng trên vai những người khổng lồ, hợp tác với các tên tuổi lớn.
Rất nhiều nghi ngờ VinFast đang làm hình thức, bao nhiêu doanh nghiệp làm theo lối truyền thống cũng đều chưa thành công. Nhưng cách làm khác biệt này mới phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Bản thân tôi thấy rất phấn khích với con đường riêng của VinFast vì rõ ràng, nó đang phát huy hiệu quả.
VinFast nói riêng và các công ty công nghệ trong Vingroup nói chung là điển hình của cách thức chuyển đổi hướng phát triển theo cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở Việt Nam. Đó là vừa áp dụng các công nghệ cốt lõi của 4.0 như robot, tự động hóa,… để sản xuất nhanh hơn, thông minh hơn, hiệu quả hơn, đồng thời, nghiên cứu phát triển các công nghệ mới, phương thức kinh doanh mới, tạo ra hệ sinh thái sản xuất kinh doanh mới.
Khối tư nhân càng lớn, nền kinh tế càng vững vàng
* Khối doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng có quy mô lớn. Từ câu chuyện của Vingroup, VinFast, ông có kỳ vọng và đánh giá gì khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam?
Vấn đề của Việt Nam là thiếu đi những cơ chế, những động lực, và rất thiếu người tiên phong. Gần đây, có lẽ xã hội khá hồ hởi hoan nghênh và chào đón một số khuôn mặt mới như ông Phạm Nhật Vượng, và một vài người khác.
Đồng thời, chúng ta nhận thấy khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang lớn mạnh hơn; tạo ra nhiều ấn tượng khác biệt so với các doanh nghiệp nhà nước. Điều này đã đem lại những hi vọng mới cho nền kinh tế Việt Nam.
Và khi những chiếc xe VinFast được xuất khẩu ra quốc tế thì chúng ta mới thực sự bước vào cuộc chơi toàn cầu. Việt Nam không chỉ xuất khẩu gạo, cà phê, mà giờ đây là cả ôtô. Việt Nam hy vọng sẽ có tên trên bản đồ ôtô thế giới.
* Là người tâm huyết với nền công nghiệp ôtô Việt Nam, khi nhìn thấy những chiếc xe VinFast lần đầu tiên, ông cảm thấy như thế nào?
Thực ra tôi tự nhận mình thuộc nhóm người tiên phong ủng hộ phát triển khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, luôn cố gắng góp phần nhỏ của mình vào việc tạo ra khuôn khổ pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Tôi luôn vui mừng với mỗi bước tiến của doanh nghiệp tư nhân.
Vì vậy, khi xe VinFast, ôtô “made in Vietnam and by Vietnam” xuất hiện, thì đầu tiên là tò mò và muốn tận mắt quan sát… và thấy nó đẹp, chắc chắn, khỏe khoắn (đúng như lời giới thiệu là mãnh liệt), có lẽ là không kém gì các dòng xe ôtô hàng đầu trên thị trường Việt Nam hiện nay. Tôi hy vọng sẽ mua được một chiếc vào đợt giao hàng đầu tiên (cười).
* Trong đội ngũ nhân sự VinFast cũng có nhiều người nước ngoài. Vì vậy, có ý kiến cho rằng sản phẩm của VinFast vẫn mang nặng yếu tố nước ngoài, chưa rõ vai trò của người Việt. Ông nghĩ sao về điều này?
Mình đi sau, đương nhiên phải dựa vào những người khổng lồ. Trong tổ chức sản xuất ngày nay, cái gì cũng toàn cầu: thị trường toàn cầu, nhân lực toàn cầu. Điều quan trọng là tìm kiếm, lựa chọn và thu hút được những người tốt nhất về làm cho mình.
Trong thị trường lao động trình độ cao, nhất là thị trường các nhà quản lý, thì làm được điều này là cực kỳ khó. Tôi nghĩ không phải chỉ có tiền, mà phải có gì đó rất khác biệt nữa mới có thể thu hút được những cá nhân đã từng ở vị trí cấp cao ở các tập đoàn đa quốc gia.
Về khía cạnh này, tôi đánh giá rất cao VinFast và cá nhân ông Phạm Nhật Vượng. Bao nhiêu năm, các doanh nghiệp nhà nước thử nghiệm thuê giám đốc điều hành là người nước ngoài, nhưng đều thất bại.
Và đặc biệt, dù nhân sự có là ai đi nữa thì người Việt vẫn làm chủ tất cả, người Việt vẫn đứng đầu chuỗi sản xuất. Tâm thế mới này có ý nghĩa rất lớn. Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể tự tin bước đến một tầm cao mới về công nghiệp, công nghệ.
* Xin cảm ơn ông!